Lý do vì sao than đá ở Việt Nam lại có giá bán đắt hơn so với than nhập khẩu? Mời bạn cùng NAM TIẾN ĐẠT đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên trong bài viết sau:
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 15/9/2016, tổng lượng than nhập khẩu đạt 10,1 tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Trong khi kế hoạch Bộ Công Thương đưa ra đầu năm 2016 cho nhập khẩu than ước tính 3,1 triệu tấn. Như vậy nhập khẩu than đang nhiều hơn so với kế hoạch đã đặt ra.
Về việc than nhập khẩu tăng nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Việt Nam Nguyễn Khắc Thọ lý giải do nguồn than đá trong nước không còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, giá than đá nhập khẩu hiện đang rẻ hơn giá than đá khai thác trong nước.
Ông Thọ cho biết giá than đá trong nước cao là bởi kỹ thuật khai thác than đá. Đa số mỏ khai thác tại Việt Nam là ở dưới sâu, thậm chí âm 300 m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than đá trong nước.
Ngoài ra, ông Thọ cho biết than đá trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ các chính sách về thuế ở trong nước. Trong năm 2016, thuế tài nguyên môi trường tăng trung bình 3 lần nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác than. Bản chất thuế tài nguyên trong nước cũng đã tăng hơn 10%, cao hơn mức trung bình trên thế giới là 7%.
“Trong khi đó, giá than tại nhiều thị trường quốc tế lại giảm. Đây là yếu tố vì sao lượng than nhập khẩu lại nhiều như trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời điểm gần đây giá than nhập khẩu đã tăng so với 6 tháng đầu năm và đã dần tiệm cận giá than sản xuất, thời gian tới có thể ngang giá than đá sản xuất”, ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Thọ cũng cho biết, nhu cầu than 3 triệu tấn trong dự báo hồi đầu năm của Bộ Công Thương chưa tính đến các nhà máy nhiệt điện BOT và các nhà máy đã nhập khẩu than trước đây như Formosa Đồng Nai, số liệu 3 triệu tấn cũng chưa tính đến các hộ khác như sản xuất xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim… Theo đó, khối lượng than đá phải nhập có thể lên đến 8 triệu tấn. Vì thế, theo quan điểm của ông Thọ, con số than nhập khẩu lên đến 10,1 triệu tấn không hoàn toàn là “vỡ trận” mà vẫn dựa theo nhu cầu phục vụ sản xuất trong nước.
Ông Thọ cho rằng, nếu ta nhập khẩu được than đá giá rẻ tức là đã tăng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho đất nước, chưa kể nếu đó là nguồn cung dài hạn sẽ là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối cung cầu thì những năm tới ta sẽ phải nhập khẩu than đá cho nhiệt điện cũng như các hộ tiêu thụ với khối lượng không nhỏ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Năng lượng đến năm 2030, lượng than đá nhập khẩu sẽ là hơn 70 triệu tấn. Ngành than vừa phải đối diện với thách thức này vừa phải bảo đảm thực hiện như trong quy hoạch điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Ông Thọ cho rằng việc nhập khẩu số lượng than đá vừa qua có tác động nhưng tác động không lớn tới việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.