Với lịch sử khai thác trên 180 năm, ngành than Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Song, sau hoạt động khai thác là những hệ lụy liên quan đến vấn đề môi trường, sinh thái. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Bằng KH&CN, TKV đã cải thiện hiệu quả vấn đề khí thải, nước thải, bụi… phát sinh trong quá trình sản xuất than, từng bước thực hiện mục tiêu “Xanh hóa môi trường sản xuất”.
Xe tưới đường chuyên dụng hiện đại nhất Việt Nam vừa được Công ty Than Cao Sơn đưa vào sử dụng nhằm dập bụi trên tuyến đường vận tải than
Công ty CP Than Cao Sơn – Vinacomin vừa đưa vào sử dụng xe tưới đường dập bụi chuyên dụng, hiện đại nhất Việt Nam, kinh phí đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Xe được thiết kế gồm 3 dàn phun nước là phía sau, ngang sườn và vòi phun cao áp. Ngoài ra, phương tiện này còn được tích hợp hệ thống phun nhiên liệu điện tử; téc chứa nước được nâng hạ bằng điều khiển tự động; dung tích thùng chứa lên đến 50m³ nước.
Phương tiện này hiện đang làm nhiệm vụ tưới nước dập bụi trên một số tuyến đường vận chuyển than và đất đá của Than Cao Sơn, nhất là tuyến đường từ khai trường sản xuất ra bãi thải Bàng Nâu. Ông Nguyễn Trung Hưng, Trưởng phòng Đầu tư & Môi trường (Công ty CP Than Cao Sơn – Vinacomin) cho biết: So với những phương tiện tưới đường, dập bụi cũ mà Công ty đang sử dụng, xe này có nhiều điểm ưu việt nổi trội. Không chỉ có dung tích thùng chứa lớn gấp đôi xe tưới đường cũ, khoảng phun nước của xe mới còn có thể xa gần 60m. Như vậy, trên một cung đường di chuyển, phương tiện này có thể dập bụi toàn bộ tuyến đường vận chuyển của mỏ.
Ngoài xe tưới đường, dập bụi chuyên dụng, Công ty Than Cao Sơn cũng vừa đưa vào sử dụng 4 máy phun sương cao áp, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Những máy phun sương này được thiết kế dạng quạt cao áp, công suất 15 m³/h, bán kính phun đạt 150m, làm nhiệm vụ dập bụi tại khu vực sàng than, máng ga, hệ thống băng tải đất đá thải mỏ.
Ứng dụng công nghệ nano trong xử lý nước thải mỏ đang được áp dụng tại trạm xử lý nước thải Vàng Danh, Tràng Khê
Không riêng Than Cao Sơn, việc ứng dụng KH&CN hiện đại trong công tác môi trường đang là xu hướng chung của ngành than. Hiện nay, đối với công tác xử lý nước thải mỏ, TKV đang hợp tác hiệu quả với Hiệp hội Nghiên cứu Mỏ và Môi trường Đức (RAME), Tổng công ty phục hồi môi trường mỏ Hàn Quốc (MIRECO) để nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước thải hiện đại, tự động hóa đạt quy chuẩn cột A, áp dụng tại trạm xử lý nước thải Vàng Danh, Tràng Khê. TKV cũng đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ Nano trong xử lý nước thải mỏ nhằm thay thế vôi bột, giảm lượng hóa chất sử dụng, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải mỏ.
Trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường, TKV đang hợp tác với các đối tác nước ngoài như JOGMEC (Nhật Bản) và MIRECO (Hàn Quốc) để nghiên cứu ứng dụng công nghệ trồng cây phủ xanh bãi thải bằng máy phun hạt giống và bằng túi vải.
Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng Ban Môi trường – TKV cho biết: Ngoài việc tăng cường ứng dụng KH&CN trong công tác môi trường, TKV cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng “3 hóa” vào hoạt động khai thác than.
Đối với sản xuất than hầm lò, TKV chỉ đạo các mỏ ưu tiên áp dụng công nghệ cơ giới hoá, thủy lực hóa, giảm sử dụng gỗ chống lò, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên. Các mỏ lộ thiên tiếp tục đổi mới thiết bị khai thác hiện đại, công suất lớn (máy xúc dung tích 10 m³, ô tô trọng tải 100 tấn, băng tải đá...) để tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải.
Các nhà máy tuyển than đầu tư thiết bị lọc ép bùn công suất lớn để tăng tỷ lệ thu hồi than, sử dụng nước tuần hoàn, cơ bản không xả thải ra môi trường.
Bằng việc ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào công tác môi trường, TKV đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp xanh, phát triển bền vững; đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh.