Đây là yếu tố quan trọng giúp tiết giảm nhân công lao động trực tiếp, tăng năng suất lao động, tăng mức độ an toàn và đặc biệt là tối ưu hóa quá trình hoạt động của các thiết bị trong các công đoạn sản xuất tại các đơn vị.
Dây chuyền vận chuyển và sàng tuyển than của nhà máy sàng tuyển 1 (Công ty Tuyển than Cửa Ông). Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN
Thích ứng với công nghệ hiện đại
Với đặc thù là doanh nghiệp cơ khí ngành than, trên 70% sản phẩm Công ty cổ phần Chế tạo máy - Vinacomin (VMC) làm ra phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Tuy nhiên, hệ thống nhà xưởng thiết bị trong dây chuyền sản xuất của công ty được xây dựng từ năm 1968.
Mặc dù các trang thiết bị dây chuyền tương đối hoàn thiện và đồng bộ nhưng các thiết bị hoạt động lâu năm nên hoạt động không ổn định, không đảm bảo độ chính xác, năng suất thấp và chất lượng sản phẩm không cao. Lực lượng cán bộ kỹ thuật quản lý còn thiếu và yếu chưa theo kịp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Giám đốc VMC Tăng Bá Khang bày tỏ, trước những khó khăn đó, công ty đã chú trọng đầu tư các thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, tăng cường sửa chữa nâng cấp, thay thế để nâng cao độ tự động hóa cho các thiết bị hiện có. Cụ thể, về công nghệ gia công cơ khí, công ty đã đầu tư máy cắt tôn phẳng 16mm công nghệ cao, máy doa ngang PLC, máy cắt dây công nghệ cao…. Đối với công nghệ hàn kết cấu thép, VMC đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị chế tạo dầm kết cấu đồng bộ từ khâu gá lắp, hàn tự động, nắn sửa sản phẩm; có khả năng chế tạo dầm thép có kích thước lớn.
Về công nghệ làm sạch bề mặt, các thiết bị làm sạch bề mặt bằng phương pháp phun bắn kim loại thay thế cho công nghệ phun cát cũ. Các hệ thống tự động quan trắc và châm pha hóa chất xử lý nước thải (sau mạ điện), nước tuần hoàn thuộc dây chuyền cán thép cũng được đưa và sử dụng.
Những giải pháp trên đã góp phần tăng doanh thu của công ty tăng qua các năm, đặc biệt năm 2019, lần đầu tiên công ty vượt ngưỡng doanh thu kỷ lục 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2019 đạt trên 14 đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Tiền lương cán bộ công nhân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng…
Cũng theo ông Tăng Bá Khang, để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị và đẩy mạnh ứng dựng tin học hóa, tự động hóa và sản xuất, quản lý, công ty sẽ thực hiện quản lý bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị. Bên cạnh đó, đầu tư vật tư, phụ tùng thay thế… và tổ chức kiểm tra thường xuyên để có phương án kịp thời điều chỉnh kế hoạch sửa chữa cho phù hợp đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công.
Cùng với đó, công ty tiếp tục tìm kiếm đối tác để xây dựng và thực hiện áp dụng điều khiển liên động tự động cho các dây chuyền sản xuất chính; xây dựng phương án tổ chức trang thiết bị các hệ thống giám sát từ xa; hệ thống camera giám sát tại các phân xưởng, công đoạn sản xuất chính, hệ thống theo dõi giám sát năng lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị. Ngoài ra, công ty cũng cải tạo các thiết bị hiện có trong dây chuyền để đồng bộ hóa với thiết bị mới nhằm duy trì nâng cao hiệu quả năng suất thiết bị chung…
Tại Công ty Tuyển than Hòn Gai, với nhiệm vụ chính là vận chuyển than nguyên khai từ các mỏ về sàng tuyển, chế biến thành sản phẩm các loại để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Bùi Hữu Lý, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai cho hay, công ty nghiên cứu lựa chọn các giải pháp kỹ thuật công nghệ của hệ thống xử lý bùn nước nhà máy tuyển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý trong các công đoạn sản xuất, giảm tối đa tỷ lệ chênh lệch công đoạn.
Cùng với việc từng bước cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa; chú trọng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất và kinh doanh, công ty đưa thiết bị GPS vào giám sát thiết bị đầu máy TY7E kéo than mỏ, xe ôtô vận chuyển than, xít thải. Đồng thời, đưa công nghệ thông tin, camera phục vụ việc giám sát dây chuyền sản xuất và bảo vệ an ninh trật tự trong mặt bằng sản xuất của công ty.
Công ty đã phát động cán bộ công nhân viên nghiên cứu sáng tạo, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất máy móc, thiết bị. Nhờ đó, trong 5 năm qua, công ty đã có 570 sáng kiến cấp công ty, 186 sáng kiến cấp phân xưởng với giá trị làm lợi ước đạt trên 32 tỷ đồng. Ngoài ra, xây dựng và đưa các phần mềm như: quản lý vật tư, kế toán, cơ điện vận tải; quản lý, vận hành cân tàu hỏa động; phần mềm giám sát lưu chuyển dòng than của TKV; phần mềm cấp phát nhiên liệu tự động cho thiết bị cơ giới vào phục vụ công tác quản lý và điều hành sản xuất....
Tối ưu hóa hoạt động thiết bị
Bốc xúc, vận chuyển than thô tại khai trường mỏ than Tây Nam Đá Mài (Quảng Ninh). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Theo Tập đoàn TKV, Tập đoàn đã đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%. Nhờ đó, năng suất lao động của Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm, vượt mục tiêu về mức tăng năng suất lao động theo Chương trình hành động số 08 ngày 08/8/2016 của Đảng ủy TKV là 4 - 5%/năm.
Thời gian tới, TKV sẽ tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, năng suất cao, an toàn, sử dụng ít nguyên nhiên vật liệu, phát thải thấp. Nghiên cứu hoàn thiện và lựa chọn công nghệ phù hợp để triển khai rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ hoặc bán cơ giới hóa hợp lý trong tất cả các lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, sản xuất điện, hóa chất mỏ, cơ khí chế tạo.
Cùng đó, nâng cao năng lực các đơn vị cơ khí chế tạo tại Tập đoàn để chế tạo mới các phụ tùng thiết bị, nội địa hóa một phần thiết bị nhập khẩu; trong đó, chú trọng các vật tư, thiết bị phục vụ sửa chữa, thay thế các thiết bị lò chợ cơ giới hóa nhằm chủ động về vật tư, thiết bị, giảm chi phí đầu tư; mục tiêu nội địa hóa đạt 50%. Tập đoàn cũng tiếp tục triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài “Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh giai đoạn 2013-2015, lộ trình đến năm 2020” vào thực tế.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, kế hoạch năm nay, sản lượng khai thác than cơ giới hóa đồng bộ toàn Tập đoàn chiếm 16,8% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò; mét lò chống neo chiếm 15,3% số mét lò đào mới toàn Tập đoàn.
TKV phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ và bán cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến than, khoáng sản; sản lượng khai thác than cơ giới hóa đồng bộ và mét lò chống bằng vì neo chiếm từ 20 - 25% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và tổng mét lò đào mới của Tập đoàn.
Đối với tự động hóa, TKV sẽ triển khai các hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển cục bộ tại các đơn vị sản xuất. Cùng đó, xây dựng các hệ thống giám sát điều khiển tập trung đồng bộ, tích hợp tại các đơn vị. Đến năm 2025, một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính mọi lúc, mọi nơi.
Ngoài việc xây dựng một số công đoạn sản xuất vận hành không người trực; áp dụng tự động hóa gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hoá, Tập đoàn sẽ ứng dụng các công nghệ Robotics, In 3D, máy tự học, các thuật toán chẩn đoán, thiết bị tăng cường thực tế ảo trong một số dây chuyền sản xuất sản phẩm. Đồng thời, tuyển dụng, thu hút đào tạo lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật tự động hóa chất lượng cao làm nòng cốt vận hành, sửa chữa và quản lý các mỏ và nhà máy.