152 Đường D, Khu Đô Thị Lakeview City, P. An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM
MST: 0305601767
congtytnhhnamtiendat@gmail.com
0932 087 568
0948 888 888
  • cung cấp than đá
  • Slideshow
  • 0
  • hinh 1
  • 4
  • hinh 3
  • Slide 2

Nhọc nhằn nghề... săn "vàng đen" dưới hầm sâu trăm mét

Khi nói về công việc của những người thợ mỏ, nhà thơ Trần Ninh Hồ từng viết: "Có những cuộc viễn du tính bằng vạn dặm núi rừng, vạn dặm trời mây, vạn lý sông nước. Người thợ lò chỉ dám tính cuộc viễn du của mình bằng tấc, thước. Vào thẳm sâu lòng đất dễ dàng chi". Quả đúng là thế, có vào sâu trong hầm lò cùng với những người thợ mỏ mới biết, để khai thác được những mảnh "vàng đen" chẳng phải dễ gì.

Từ sáng sớm, tại Công trường Thành Công thuộc Công ty Than Hòn Gai – TKV, từng tốp công nhân đã có mặt chuẩn bị cho một ca sản xuất mới… công việc mà lâu nay nhiều người vẫn ví von với câu nói quen thuộc "Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ".

Cũng như các mỏ than khác, một ngày làm việc của công nhân tại công trường Thành Công khép kín 24/24 giờ và được chia ra làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng. Khi từng tốp công nhân từ dưới hầm lò vội vã tan ca, cũng là lúc những đồng nghiệp của họ sẽ đi xuống tiếp tục phần việc của ca mới. Cứ như thế, hàng ngày ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, trong không gian nhỏ hẹp không rõ ngày hay đêm, những người thợ mỏ cần mẫn đào bới, săn từng mảnh "vàng đen" để làm giàu cho Tổ quốc.

Để được xuống làm việc dưới hầm lò, những người công nhân phải trải qua một lớp đào tạo ngắn hạn. Tại đây, ngoài nghiệp vụ họ còn được nắm những kiến thức cơ bản, các yêu cầu tối thiểu khi lao động hầm lò. Đặc biệt là những kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân và nhận biết, xử lý các tình huống.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Do đặc thù riêng của công việc, trước khi xuống hầm lò, mỗi người thợ mỏ phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động như: mũ, ủng, áo quần bảo hộ. Đặc biệt không thể thiếu 2 thứ quan trọng là đèn pin chuyên dụng và bình tự cứu cá nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng như hầm lò, chiếc đèn pin sẽ công cụ hỗ trợ đắc lực để công nhân làm việc. Ngoài ra, bình tự cứu cá nhân sẽ giúp lọc khí oxy trong trường hợp cấp bách, gặp khu vực có khí độc hại.

Trước đó, trong giờ giao ca, các thợ mỏ cũng được phó quản đốc thông báo về tình hình làm việc của ca trước, đồng thời giao nhiệm vụ ca mới. Tất cả ký nhận lệnh rồi đồng thanh hô vang ba lần: "An toàn! An toàn! An toàn!…  cùng nhau tiến về hầm lò, vào ca sản xuất.

Tại cửa giếng nghiêng chính Công trường Thành Công, khẩu hiệu truyền thống "Kỷ luật – Đồng tâm" được công ty bố trí ngay phía trên miệng lò. Đó như là lời nhắc nhở những người thợ mỏ phải luôn có ý thức kỷ luật, đồng tâm trong công việc, đặt sự an toàn lên trên hết. Bởi với môi trường làm việc hết sức đặc biệt này, chỉ một sai sót nhỏ của cá nhân cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả tập thể.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Sau khi xuất trình thẻ ra vào và được bảo vệ cửa lò kiểm tra đã đầy đủ phương tiện bảo hộ, người thợ mỏ nhận tay tời cáp treo – dụng cụ chuyên hỗ trợ việc di chuyển để đi xuống vị trí âm 85m trước khi đến từng vị trí sản xuất. Nhiều người vẫn hóm hỉnh gọi đây là "cáp treo hầm lò", đặc sản ở các khu mỏ.

Hiện tại, điểm khai thác sâu nhất của Công trường Thành Công ở mức âm 220m so với mực nước biển. Dù biết rằng dưới hầm sâu kia là khối công việc vất vả, đôi khi còn phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng chứng kiến sự lạc quan đến bình thản của những người thợ mỏ khi bước vào ca sản xuất, ai cũng hết sức ngạc nhiên.

Không phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi, theo chân những người thợ mỏ, chúng tôi cũng bắt đầu hành trình khám phá của mình. Phía bên trong giếng nghiêng chính, cứ vài chục mét lại xuất hiện các cửa lò ngách. Càng xuống sâu, lòng giếng càng đen ngòm, sâu hút như chực nuốt những con người nhỏ bé. Lần đầu tiên được đặt chân xuống hầm lò, những thành viên trong đoàn ai cũng có phần hồi hộp xen lẫn chút lo lắng.

Sau khoảng 10 phút di chuyển trong bóng tối, tời cáp treo cũng đưa chúng tôi đến được với vị trí trí của tàu Song Loan – một phương tiện giao thông trong hầm lò. Giống với giao thông đường sắt ở trên mặt đất, tàu Song Loan chạy trên các đường ray, có các ga đi, ga đến với giờ giấc cụ thể. Tuy nhiên, để phù hợp với địa hình nên kích thước đường ray và tàu được thiết kế nhỏ gọn hơn. Tàu cũng chỉ chuyên phục vụ đưa đón công nhân làm việc trong hầm lò. Hành trình trên chuyến tàu "đặc biệt" này, những vỉa "vàng đen" lấp lánh của Tổ quốc cũng bắt đầu lộ ra trước mắt.

Kết thúc chặng đường khá dài bằng tàu Song Loan, những người thợ mỏ lại phải tiếp tục đi bộ thêm một quảng đường nữa mới đến được các vị trí sản xuất. Càng đi xa, xuống sâu, đường lò càng nhỏ dần và khó di chuyển hơn. Trên vòm lò, nước nhỏ tí tách ướt cả vai áo, dưới nền nhiều chỗ bùn than nhẽo nhoẹt.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Để không bị trượt ngã, có những lúc chúng tôi phải nghiêng mình đu theo dây để xuống các đoạn dốc, có lúc phải men theo hoặc trèo qua các máng than. Có những quãng, than đùn ra ngay giữa lòng hầm, mọi người phải trườn qua mới đi tiếp được.

Đến đây, không khí trong hầm đã khác hẳn với sự yên tĩnh khi ở trên mặt đất, lòng hầm inh ỏi tiếng máy móc làm việc, đôi lúc còn nghe thấy rõ cả tiếng nổ mìn. Trên từng đoạn hầm, chúng tôi bắt gặp những người thợ mỏ đang hăng say lao động. Người thì cuốc than, người thì điều chỉnh giá đỡ, người vận hành máy móc... Mỗi người một công việc, ai nấy mặt đều lấm lem bụi than, chỉ thấy mỗi đôi mắt long lanh cùng hàm răng trắng xóa. Trong điều kiện làm việc như vậy, chẳng mấy khi người thợ mỏ có thể nhìn thấy rõ mặt nhau, có chăng chỉ nhận ra nhau qua giọng nói.

Để đảm bảo an toàn lao động, quy định làm việc dưới hầm lò cũng được đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Xuống đây, người thợ mỏ không được phép mang theo những vật dụng không phục vụ cho công việc, dễ gây cháy nổ. Không bật lửa, không thuốc lá, thậm chí không điện thoại di động. Thỉnh thoảng mới thấy một vài người có sử dụng đồng hồ.

Vào giữa mỗi ca làm việc, những người thợ mỏ cũng có một chút thời gian nghỉ ngơi. Đây là lúc mọi người dừng tay uống nước, ăn nhẹ, trò chuyện với nhau về cuộc sống. Nếu ca sản xuất trùng với bữa cơm, những người thợ dùng bữa ngay trong hầm lò để thuận tiện cho công việc. Toàn bộ thức ăn này đều được chuẩn bị và đưa từ trên mặt đất xuống.

Có đặt chân xuống hầm lò, được mục sở thị môi trường làm việc của những người thợ mỏ mới thấy hết được sự vất vả của công việc này. Tất cả y như câu hát trong ca khúc "Tình ca người thợ mỏ", rằng "thợ mỏ vào ca cũng là chiến sĩ". Họ quả thực là những chiến binh dũng cảm dưới lòng đất.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

 

Qua tiếp xúc, trò chuyện, những người thợ mỏ lâu năm tại Công ty Than Hòn Gai - TKV cho hay, công việc của người thợ mỏ không chỉ có nặng nhọc, tốn nhiều sức lực, môi trường làm việc khắc nghiệt mà còn phải đối diện với những mối nguy hiểm tiềm ẩn như cháy nổ, sập lò, ngạt khí…

Để lấy được những vỉa than đen lấp lánh nằm sâu trong lòng đất, ngoài mồ hôi, nước mắt, đôi khi họ còn phải đánh đổi bằng máu. Bởi vậy, muốn bám trụ lâu dài với hầm lò trước hết mỗi người thợ phải hiểu rõ được bản chất của công việc, từ đó vun đắp cho mình lòng yêu nghề.

Thực tế, đã có không ít trường hợp xin vào làm thợ mỏ nhưng chỉ được một thời gian ngắn đành xin nghỉ việc vì không đủ sức khỏe hoặc chưa đủ tâm huyết. Gặp chúng tôi khi đang làm nhiệm vụ khai thác tại vị trí âm 150m đến âm 185m so với mực nước biển, Phó quản đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn phân xưởng 2 Thành Công Lê Sỹ Xuân chia sẻ, để làm được nghề thợ mỏ, người công nhân ngoài sức khỏe tốt phải lòng yêu nghề, có lòng dũng cảm. Bởi công việc này không dành cho những người yếu tim. Chỉ có sự tâm huyết, dũng cảm và yêu nghề mới giúp người thợ mỏ tôi luyện được bản lĩnh, tạo được động lực vượt qua mọi khó khăn, vất vả.

Tính đến nay đã có 21 năm kinh nghiệm "đội mũ, chui lò", với nhiều người thợ thâm niên như Phó quản đốc Xuân, khi tình yêu nghề đã hóa những giọt mồ hôi thấm đẫm trên vỉa than lấp lánh thì mọi khó khăn, vất vả trong công việc có lớn nhường nào cũng trở thành niềm vui của cuộc sống.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

"Những người thợ mỏ như chúng tôi, mỗi ngày xuống hầm lò là đi tìm niềm vui. Kết thúc mỗi ca làm việc, ra đến cửa lò thấy ánh mặt trời là nhìn thấy hạnh phúc. Đôi khi niềm vui, hạnh phúc đơn giản chỉ là lúc mọi người làm việc hiệu quả, đơn vị đạt năng suất kỷ lục. Chúng tôi đem theo cả niềm vui ấy về nhà, chia sẻ với người thân", Phó quản đốc Xuân nói.

Đặc biệt, một khi đã thực sự thấu hiểu và yêu lấy nghề thợ mỏ, tình yêu đó nhiều lúc còn được kế thừa phát huy một cách mạnh mẽ. Ở trong ngành than nói chung và dưới hầm lò sâu nói riêng, đã có không ít trường hợp có gia đình có đến 2, 3 thế hệ cha truyền con nối, gắn bó với nghề.

Anh Nguyễn Khắc Huy, Quản đốc phân xưởng số 2 Thành Công cho hay, ở đơn vị có không ít trường hợp cả vợ lẫn chồng cùng công tác trong ngành than. Vợ đi làm ca 2, chồng đi làm ca 3, mỗi lần tan ca chỉ kịp thoáng nhìn thấy nhau. Hay có những khi bố mẹ tan ca, từ mỏ trở về nhà cũng là lúc những đứa con thơ đã say giấc. Vất vả là thế, nhưng vì quá hiểu với đặc thù công việc mà vợ chồng dễ dàng động viên, chia sẻ với nhau. Tình cảm vợ chồng càng thêm sâu đậm.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Trong chuyến đi lần này, một trong những điều khiến chúng tôi cảm thấy choáng ngợp khi bước chân xuống hầm lò chính là nhiều công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới đang được Công ty Than Hòn Gai – TKV triển khai áp dụng vào khai thác, sản xuất. Khác xa với tưởng tượng ban đầu về hình ảnh người thợ mỏ tay búa, tay choòng chen chúc hì hục đào từng vỉa than. Giờ đây, những công nghệ thô sơ đã dần được thay thế bằng các máy móc hiện đại. Từ thủ công dần thay thế bằng "công nghệ… bấm nút". Điều này góp phần nào giúp cho người thợ mỏ làm việc ngày một khoa học, năng suất và đảm bảo an toàn hơn.

Dẫn chúng tôi đi tham quan hệ thống vận hành khai thác dưới hầm lò, Quản đốc phân xưởng số 2 Thành Công Nguyễn Khắc Huy cho biết, hiện tại hầu hết quá trình quản lý, tổ chức sản xuất dưới hầm lò đều được vận hành một cách thông suốt, nhanh chóng thông qua hệ thống điều khiển. Camera được kết nối trực tiếp từ các khu vực trong hầm lò lên đơn vị giám sát ở trên mặt đất. Trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ mới và thực hiện 3 hóa: "cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa" trong quản lý, tổ chức sản xuất, để giảm lao động sống, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, sẽ thực hiện 3 an: "an toàn, an ninh và an sinh".

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

"Nguy hiểm, độc hại, tiếng ồn, điều kiện làm việc khó khăn… là những vấn đề mà người thợ mỏ phải thường xuyên đối diện, nhưng bây giờ các yếu tố đó đã được xử lý tốt hơn, ngày càng được triệt tiêu dần", Quản đốc Nguyễn Khắc Huy cho hay.

Sau thời gian trải nghiệm gần một ca làm việc, chúng tôi lại theo "cáp treo hầm lò" ngược lên với mặt đất. Đặt chân đến miệng giếng nghiêng, cảm giác được hít thở một hơi thật dài bầu không khí trong lành so với sự ngột ngạt ở hầm lò hạnh phúc đến khó tả. Có vậy mới hiểu và thêm phần trân quý công việc của những người thợ mỏ.

Đến đây, theo chân Quản đốc Nguyễn Khắc Huy, chúng tôi lại được đi thăm một số công trình phúc lợi như nhà giao ca, nhà ăn, khu tập thể, khu tắm giặt... Tất cả đều được đầu tư khang trang với đầy đủ tiện nghi, thiết bị. Qua đó mới cảm thấy hết được sự quan tâm, đầu tư về vật chất đối với người lao động.

Khác với trước, tại khu tắm giặt giờ mỗi người thợ mỏ được bố trí một tủ sắt riêng. Quần áo sau khi làm việc của các công nhân đều được một đơn vị phụ trách giặt là sạch sẽ, thơm tho, chuẩn bị sẵn sàng ở đó cho ngày làm việc hôm sau. Phía trước nhà tắm, nước trái cây cũng luôn được chuẩn bị sẵn để người thợ mỏ có thể bồi bổ sức khỏe ngay khi trở lên từ hầm lò.

Nhọc nhằn nghề... săn vàng đen dưới hầm sâu trăm mét

Như để chứng minh cho những điều đó, Quản đốc Huy vui vẻ nói: "Khác với lúc trước, người thợ mỏ bây giờ đến lò làm việc hay khi tan ca trở về lúc nào sạch sẽ, tinh tươm. Áo quần nhiều khi cả tuần vợ con không phải động tay vào, bởi bước ra đến cửa lò những việc đó đã có người lo".

Bên cạnh đời sống vật chất được chăm lo tốt, mức thu nhập của người thợ mỏ cũng được trả khá cao và ổn định. Nhiều thợ mỏ hiện nay có mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng, thậm chí 300 triệu đồng mỗi năm.

So với nhiều công việc tay chân khác, thu nhập từ nghề thợ mỏ có thể chăm lo tốt cho gia đình. Vậy nên công việc dù có phần vất vả, song nhiều người đã xác định tư tưởng sẽ bám lấy nghề đến khi về hưu.

Mr. Sơn
Hotline: 0932 087 568
Phone: 0948 888 888
Email: namtiendat.co.ltd@gmail.com