Sản lượng than của Indonesia có thể giảm 1/4 so với năm trước
Sản lượng than của Australia, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đã giảm 21% trong quý I năm nay so với cùng quý năm ngoái, xuống chỉ 97 triệu tấn.
Với đà này, sản lượng than đá Indonesia năm 2015 dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 388 triệu tấn - rơi vào khoảng giữa mức 350 - 400 triệu tấn, dự đoán bởi ông Pandu Sjahrir, chủ tịch Hiệp hội Than đá Indonesia.
Nếu dự báo của ông Sjahrir trở thành hiện thực thì sản lượng than Indonesia năm 2015 sẽ giảm khoảng 24% so với năm 2014, và thấp hơn khoảng 75 triệu tấn so với dự đoán của chính phủ.
Trái lại, Australia chính thức dự đoán sản lượng than đá của mình trong tài khóa 2014/2015 sẽ vững so với tài khóa trước.
Theo Bộ Khoa học và Công nghiệp Australia, sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện trong năm kết thúc vào tháng 6/2015 sẽ ở mức 243,5 triệu tấn, chỉ thấp hơn chút ít so với 245,2 triệu tấn tài khóa trước đó. Bộ này nâng dự báo về xuất khẩu trong tài khóa 2014/2015 lên 201 triệu tấn, tăng 3,2% so với tài khóa trước, và sẽ tiếp tục tăng lên 202,9 triệu tấn trong tài khóa bắt đầu từ tháng 7 tới.
Nhưng dự báo có thể không chính xác. Thực tế là số liệu về xuất khẩu than của Australia qua cảng chở than Waratah Coal Services (PWCS), nơi vận chuyển 2/3 tổng khối lượng than xuất khẩu của Newcastle - cảng xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới - cho thấy PWCS chỉ xuất khẩu được 34,5 triệu tấn than trong 4 tháng đầu năm 2015, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, lý do của hiện tượng này chủ yếu bởi xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 4 do mưa bão quá lớn khiến cảng than phải dừng hoạt động trong gần 2 ngày và một số đoạn của hệ thống đường sắt vận chuyển than tới Newcastle phải dừng hoạt động.
Nếu không tính tháng 4, xuất khẩu than qua PWCS trong quý I năm nay còn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, trong bức tranh toàn ngành than thì Australia vẫn đang xuất khẩu tốt loại than nhiệt, trong khi nhiều mỏ than của Indonesia phải tạm ngừng khai thác.
Tình trạng xuất khẩu của Indonesia cũng được phản ánh qua các số liệu hải quan của Trung Quốc, nước sản xuất than lớn nhất thế giới.
Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu than đá vào Trung Quốc giảm 37,7% xuống 69,02 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Australia giảm 24,8% còn nhập từ Indonesia giảm 48,9%.
Giả định rằng tiêu thụ than trong nước của Indonesia vẫn vững ở 90 - 95 triệu tấn trong năm 2015 thì chắc chắn xuất khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này có thể giảm khoảng 100 triệu tấn trong năm nay.
Australia có vị thế tốt hơn
Câu hỏi đặt ra là tại sao Indonesia phải cắt giảm sản lượng trong khi Australia tiếp tục tăng hoặc chí ít cũng giữ nguyên sản lượng, ngay cả khi giá tiếp tục giảm?
Giá tham chiếu than nhiệt châu Á - chỉ số giá Newcastle, trong tuần kết thúc vào 29/5/2015 ở mức 57,39 USD/tấn, giảm 11% so với hồi đầu năm và chỉ bằng gần một nửa mức đỉnh cao 136,30 USD/tấn hồi tháng 1/2011.
Về nhu cầu, xuất khẩu than sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Bắc Kinh, bởi than của Indonesia chủ yếu là loại chất lượng thấp.
Những thay đổi trong chính sách thuế ở Indonesia cũng làm tăng chi phí đối với một số nhà sản xuất của nước này. Bên cạnh đó, lợi thế chi phí sản xuất thấp của những năm qua nhờ than lộ thiên ngày càng ít đi, làm giảm lợi nhuận của ngành than Indonesia.
Ở Australia, một số hãng sản xuất lớn, trong đó có Glencore và Peabody, cũng đã thông báo cắt giảm sản lượng. Song dường như những công ty nhỏ hơn lại sẵn sàng giữ nguyên công suất sản xuất hoặc thậm chí còn tăng lên. Họ có cơ sở để thực hiện điều này khi nhu cầu đã tăng lên từ một số khách hàng lớn hơn là Trung Quốc, đó là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Các nhà sản xuất Australia cũng cần duy trì công suất để thực hiện các hợp đồng với ngành đường sắt và cảng biển.
Cũng có thể các nhà sản xuất Australia cắt giảm chi phí hiệu quả hơn so với các đối thủ Indonesia, và thậm chí họ còn được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm (ngành than vốn phụ thuộc khá nhiều vào dầu diesel để chạy động cơ trong hoạt động khai thác và vận tải).